Ở Đời Khôn Ngoan Phải Biết Giả Ngu Giả Đần, Thông Minh Quá Thì Bị Diệt

Người ta nghĩ rằng có tài năng thì phải bộc lộ hết ra ngoài, chứng minh với xã hội để mưu cầu tiến thân. Tuy nhiên, thông minh hay khôn ngoan không phải điều nên thể hiện mọi lúc mọi nơi. Có những thời điểm, “giả ngu” cũng là một nghệ thuật, là cảnh giới cao nhất của một trí tuệ thông thái. Dưới đây là 6 việc ở đời cứ giả ngu là lợi..

1. Hiểu biết nhiều, giả ngu là đại trí

Nếu để ý và quan sát, hẳn chúng ta sẽ nhận ra xã hội ngày nay có rất nhiều người thông minh, họ phán đoán suy nghĩ của người khác một cách nhanh chóng và không bao giờ bị mắc lừa. Họ tính toán chi li, so đo từng chút để làm sao không thua thiệt, không bị người lừa gạt. Nhưng họ đã quên câu nói của cổ nhân dạy rằng: “Thông minh quá sẽ bị thông minh hại”. Nếu chứng kiến trực tiếp những việc người thông minh làm, chúng ta sẽ phát hiện, bởi vì quá thông minh nên những người này thường bị người khác phòng bị. Bởi vậy nên người xưa cho rằng, người thông minh nhưng biết “giả ngốc” đúng lúc mới là đạo xử thế của nhà thông thái.

2. Ở chốn nhiễu nhương, giả ngu là an phận

Những người khôn ngoan đại tài mà không muốn tranh đấu với đời, không muốn đánh nhau đầu rơi máu chảy, thì nên giả ngu mà an phận, như vậy người xấu không nhìn đến mình, có thể an toàn mà phát triển. “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”, khôn là dại mà dại là khôn, mấy ai biết được: Chốn phồn hoa hay nơi u tịch, mới là chốn tốt nhất để an ổn phận mình?

3.Trước kẻ tiểu nhân, giả ngu là quân tử

Trên đời, làm sao tránh được những kẻ tiểu nhân, luôn tìm cách đâm sau lưng. Những kẻ này càng thấy người ta tỏa sáng, càng thấy người khác hơn mình lại càng mang lòng đố kỵ. Những người biết giả ngốc thường dễ dàng hơn trong con đường thăng tiến cả về cuộc sống lẫn sự nghiệp. Họ biết chủ động thu mình lại, biết khi nào cần phát huy năng lực và khi nào nên tỏ ra “ngu ngơ” để hạn chế tối đa lòng đố kỵ và ganh ghét của người xung quanh.

4. Quyền chức cao, giả ngu để hiểu thấu lòng người

Khi đã nắm trong tay quyền lực, bạn liền không thấu được kẻ nào chân tâm thật ý với mình, kẻ nào chỉ lợi dụng, nịnh bợ, kẻ nào len lén đâm sau lưng? Khi chúng ta có quyền hạn cao hơn người, ắt là trở nên có giá trị lợi dụng với nhiều đối tượng, vì thế muốn biết ai thật ai gian thì chỉ cần giả ngu là biết được ngay.

5. Tình cảm không nên có, giả ngu là thượng sách

Nhiều khi trong cuộc sống, có những tình cảm không nên được sinh ra, kể cả là từ phía bạn hay phía người khác. Với những loại cảm tình cấm kỵ như vậy, cũng nên lơ đi, quên đi, để giữ gìn hạnh phúc ở thực tại. Có những người biết là sai mà vẫn đâm đầu, để rồi khôn ba năm dại một giờ, bao nhiêu công sức chỉ vì những thứ ân tình không đáng có để rồi phải trả giá đắt.

6. Với người thân thiết, giả ngu là nhường nhịn

Nhiều người ra đường thì nhún nhường với người lạ, nhưng về nhà lại cứ thích phân bì cao thấp với người thân, bạn bè. Những người như vậy là người dại dột. Với người mà mình thân thiết, yêu đương, đâu cần dùng quá nhiều lý trí để phân bua, đâu cần tranh cãi để giành lấy phần thắng. Điều quan trọng nhất là tình cảm và sự nhẫn nhịn, chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau. Và để làm được điều đó, người ta đôi khi cần giả ngu để mọi chuyện êm xuôi, tốt đẹp.

Chia sẻ