Chúng ta chỉ dùng có ba năm đầu đời để học nói cho sõi, nhưng lại dùng cả cuộc đời mình để học cách im lặng, tìm cách chọn lúc nào nên mở miệng, lúc nào nên nhẫn nhịn nín câm. Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột, một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời, một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng, một lời yêu thương có thể chữa lành và lan tỏa những giá trị nhân văn.
Thế nên sống ở trên đời, có những chuyện không nói không được, nhưng cũng có những chuyện cạy mồm cũng không nên nói.
Thứ nhất. Lời khoe khoang khoác lác, khoa trương.
Những kẻ ăn tục nói phét, nói mười làm chín, thích phô trương khoe khoang, thích cái danh hư vô đều không bao giờ có được thành công thực sự trong cuộc sống. Họ cho rằng càng nói nhiều, càng nói quá lên thì thiên hạ đều nể phục mình, ghi nhớ mình, chú ý đến mình.
Nhưng không, thế nhân đều đang cười. Hãy nhớ rằng lời nói dối có thể lừa được một hai người, đâu có thể lừa cả thiên hạ, lời khoe mẽ có thể được tin trong một hai lần đầu, nhưng có ai lừa được nhau cả đời? Tốt nhất nên có gì nói nấy, hoặc thậm chí có mà không nói.
Những bậc thông tuệ nhất đều là những kẻ đại trí giả ngu, chứ cái gì cũng bô bô cho xung quanh biết hết thì âu cũng chỉ là người nông cạn, dễ đối phó. Đừng để người khác phải coi thường, nói ít lại, và làm nhiều lên!
Thứ 2. Lời đánh giá đức hạnh của người khác.
Sự đánh giá của mỗi người đều mang tính chủ quan, bạn thấy thế chưa chắc sự việc đã như thế. Trên đời đường dài mới biết ngựa hay, đừng tùy tiện đánh giá nhân phẩm đạo đức của người khác bởi chắc gì bạn đã hơn họ. Khi bạn phê phán người khác, rất có thể người ta cũng đang ở chốn nào đó phê bình bạn.
Quan điểm đạo đức của bạn chưa hẳn đã là chuẩn mực của xã hội này, hơn thế nữa, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì ai biết được cay đắng nông sâu thế nào.
Vì thế, con người ta ai cũng có phần khiếm khuyết, nếu thập toàn hoàn mỹ thì đã là bậc thần thánh phật tiên. Chớ có buông lời đàm tiếu, đánh giá đức hạnh của người khác, vì có khi, chính mình trong hoàn cảnh đó, có khi còn không cư xử được bằng người ta.
Thứ 3. Lời đánh giá gia cảnh của người khác.
Có những người sống trong chăn gấm lụa là, văn hóa cũng không bằng kẻ ăn xin trên phố. Có những người nông dân nghèo túng quanh năm, nhưng chưa bao giờ làm gì hèn hạ bỉ ổi, nhưng có những người nhà cao cửa rộng, một cắc cũng không chịu xòe ra.
Không có ai sinh ra được chọn lựa hoàn cảnh của mình, vận mệnh đôi khi không phải muốn đổi là đã đổi được, vì thế chớ có đánh giá, nhục mạ gia cảnh của người khác. Sang hèn của người đời không liên quan gì đến mình, há gì phải nhiều lời mà sân si với thiên hạ.
Chỉ có những kẻ xấu tính, ít học lại trưởng giả mới đi coi thường người khác mà thôi. Giá trị của một con người, không đo bằng nơi họ sinh ra, mà đo bằng quãng đường mà họ đi được. Nói ít lại, quan sát nhiều hơn, bạn sẽ thấy thực ra hoàn cảnh không quan trọng đến vậy, bởi đâu ai giàu ba họ, cũng chẳng ai khó ba đời.
Thứ 4. Lời đánh giá học thức của người khác.
Có một câu nói rất hay như thế này: “Những người thông minh thì thường nghi ngờ những gì họ nói, còn những người ngu dốt thì lúc nào cũng tự tin vào cái mình nói ra.” Càng học nhiều, người ta càng thấy mình nhỏ bé, càng thấy mình kiến thức, phải bồi đắp thêm. Vì vậy, không nên mở miệng là chê bai học vấn của người khác, đánh giá phiến diện về nhận thức của con người.
Tri thức bao la thế, làm sao có người giỏi nhất, càng làm sao có thể đong đếm ai giỏi hơn ai. Không thể cho mèo và cá thi bơi, không thể cho rùa và sóc cùng leo cây. Có những điều người này biết, người kia lại không biết và ngược lại. Thế mới nói đừng có dại mà cứ hễ mở miệng là tỏ ra ta đây học thức hơn người, vì chỉ những người ngu dốt mới tự tin như vậy mà thôi!
Thứ 5. Lời độc ngôn, tổn hại đến danh dự người khác.
Có những lời nhục mạ, thóa mạ người khác, mỗi một câu như nhát dao găm vào tim người nghe, tuyệt đối cạy miệng cũng không được nói. Lời nói như tên, không nên bắn bậy, những lời độc ngôn, xúc phạm đến danh dự, tiết tháo của người đời sẽ khiến cho bạn bị xa lánh, ghét bỏ. Khi bạn làm tổn thương người khác, sẽ có người khác làm tổn thương bạn.
Thế giới này tuần hoàn vòng tròn, quả báo cũng không ngoại lệ. Đừng có khẩu nghiệp rồi rước họa vào thân,bởi khi bạn tôn trọng mọi người, mọi người cũng sẽ tôn trọng bạn và ngược lại. Thế nhân đều rất sòng phẳng, vì vậy nếu muốn nghe được lời hay ý đẹp từ người khác, thì đừng có lộng ngôn, ngoa ngoắt mà xúc phạm người xung quanh.